Cuộc đời Vĩnh_Tông

Hoàng tử Vĩnh Tông được sinh ra vào buổi trưa, ngày 8 tháng 4 (âm lịch) năm Càn Long thứ 11 (1746), là con trai thứ 7 của Thanh Cao Tông và là con trai thứ hai, cũng là con trai út trong tổng số 4 người con của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu.

Theo lệ thời Càn Long, vào tháng giêng, Hoàng đế sẽ thân chủ trì các điển lễ long trọng, diên yến chiêu đãi các Vương công Đại thần, sau đó còn có lệ đi đến Viên Minh Viên đón tiết Thượng Nguyên, xem pháo hoa và tham quan núi non. Tuy nhiên, kế hoạch này đều bị bãi bỏ vào năm Càn Long thứ 11 năm đó, tất cả chỉ vì Càn Long Đế không muốn Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu phải đi đường xa vất vả, nên ông quyết định cùng với Hoàng hậu năm đó ở tại Tử Cấm Thành chờ đợi đứa con sắp chào đời.

Vì người anh cùng mẹ Đoan Tuệ Hoàng thái tử Vĩnh Liễn qua đời sớm, cộng thêm Hoàng tử sinh ngay vào ngày Phật đản, nên từ khi mới lọt lòng, Hoàng thất tử Vĩnh Tông được coi là Hoàng Đích tử duy nhất và rất được Càn Long Đế yêu quý, coi trọng và đặt rất nhiều hi vọng trong tương lai.

Quá đỗi vui mừng trước sự ra đời của Hoàng tử, Càn Long Đế ngay lúc đó đã hý bút:

九龙喷水梵函传,疑似今思信有焉。

已看黍田沾沃若,更欣树壁庆居然。

人情静验咸和豫,天意钦承倍惕乾。

额手但知丰是瑞,颐祈岁岁结为缘。

.

Cửu long phún thủy phạn hàm truyện, nghi tự kim tư tín hữu yên.

Dĩ khán thử điền triêm ốc nhược, canh hân thụ bích khánh cư nhiên.

Nhân tình tĩnh nghiệm hàm hòa dự, thiên ý khâm thừa bội thích càn.

Ngạch thủ đãn tri phong thị thụy, di kỳ tuế tuế kết vi duyên.

— Bài thơ mừng Thất hoàng tử ra đời của Càn Long Đế

Viết xong, Càn Long Đế còn cư nhiên sợ người đọc không hiểu, nên cẩn thận chú thích: 「Thị nhật trung cung hữu lộng chương chi hỉ; 是日中宫有弄璋之喜; ý đại khái là"Niềm vui vào ngày chào đón con trai trong cung"」. Cụm từ "Lộng chương" (弄璋) trong chú thích, xuất phát từ Kinh Thi, có câu:"Nãi sinh nam tử, tái tẩm chi sàng, tái y chi thường, tái lộng chi chương" (Nguyên văn: 乃生男子,载寝之床,载衣之裳,载弄之璋。).

Cái tên Vĩnh Tông của Hoàng tử là ngầm ý của Càn Long khi muốn Hoàng tử là người kế vị[1]. Sự yêu quý của Càn Long Đế dành cho con trai cả thiên hạ đều biết, chính văn nhân Trình Mục Hành (程穆衡) trong tác phẩm "Kim xuyên kỷ lược" (金川纪略) của mình cũng ghi về Hoàng tử Vĩnh Tông như sau:「"Hoàng thất tử Vĩnh Tông, túc tuệ kỳ nghi, Thượng (Càn Long Đế) cùng Hậu (Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu) yêu tha thiết"; 皇七子永琮,夙慧岐嶷,上与后尤钟爱」.